Viêm dạ dày là một trong những căn bệnh phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam. Căn bệnh mạn tính gắn liền với những cơn đau từ âm ỉ đến dữ dội. Khi mắc bệnh này, ngày càng có nhiều người hướng tới các phương pháp điều trị viêm dạ dày theo Y Học Cổ Truyền. Vậy trong Y Học Cổ Truyền viêm dạ dày là bệnh gì và điều trị ra sao?
1. Viêm dạ dày theo Y Học Cổ Truyền là bệnh gì?
Y Học Cổ Truyền quy viêm dạ dày thuộc phạm vi chứng vị quản thống, vị thống. Các triệu chứng chung của viêm dạ dày như:
- Đau bụng vùng thượng vị (dưới xương ức), đau âm ỉ thoáng qua hoặc kéo dài.
- Đau lan ra sau lưng, lên ngực.
- Cơn đau liên quan đến ăn uống, như quá no hoặc quá đói, đau sau khi ăn những chất cay, chua…
- Ợ hơi, ợ chua nhiều có thể kèm theo buồn nôn, nôn, nấc.
- Ấn vùng thượng vị thấy đau.
2. Nguyên nhân gây viêm dạ dày theo Y Học Cổ Truyền
Theo quan điểm của Y Học Cổ Truyền, nguyên nhân gây viêm dạ dày gồm có:
- Do tình chí: tinh thần căng thẳng kéo dài, u uất buồn giận lâu ngày làm cho can khí uất kết mất khả năng sơ tiết điều đạt (rối loạn chức năng của dạ dày). Từ đó gây ra các chứng đau, ợ hơi, ợ chua.
- Do bất nội ngoại nhân: ăn uống thất thường không điều độ, ăn nhiều thức ăn cay chua nóng, thức ăn sống lạnh.
- Do tỳ vị hư hàn: do tỳ vị hư hàn trước đó kết hợp hàn tà (thời tiết lạnh, nhiễm lạnh, ăn đồ lạnh) gây bệnh.
- Do hỏa uất: tích nhiệt bên trong ảnh hưởng tỳ vị (dạ dày), gây đau thượng vị kèm nóng rát.
3. Các thể bệnh viêm dạ dày theo Y Học Cổ Truyền
Thể hiện của bệnh viêm dạ dày gồm có:
- Thể khí trệ: đau vùng thượng vị theo từng cơn, đau có xu hướng lan ra sau lưng và 2 bên mạn sườn, cự án (ấn đau), bụng đầy chướng kết hợp ợ hơi ợ chua.
- Thể hoả uất: thượng vị đau kèm cảm giác nóng rát, cự án (ấn đau), miệng khô đắng.
- Thể huyết ứ: đau ở 1 vị trí, ấn đau hơn chia làm 2 loại
- Thực chứng: nôn ra máu, đi ngoài phân đen, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng
- Hư chứng: sắc mặt xanh nhợt, người mệt mỏi, tay chân lạnh, môi nhợt.
- Thể tỳ vị hư hàn: đau thượng vị âm ỉ thường xuyên, nôn nhiều, nôn ra nước trong. Đầy bụng khó tiêu, phân nát. Gặp lạnh mức độ đau tăng, chườm ấm đỡ hơn.
4. Các phương pháp điều trị viêm dạ dày theo Y Học Cổ Truyền
4.1. Thể khí trệ
- Bài thuốc
Sài hồ sơ can thang gia giảm: Sài hồ 12g, Chỉ xác 10g, Bạch thược 16g, Xuyên khung 12g, Cam thảo 04g, Hương phụ 08g và Thanh bì 08g.
Sắc uống ngày 01 thang chia sáng tối
- Châm cứu
Châm tả các huyệt: Tỳ Du, Vị Du, Trung Quản, Thiên Khu, Tam Âm Giao,Thái Xung, Can Du.
4.2. Thể hoả uất
- Bài thuốc
Hoà can tiễn gia giảm: Thanh bì 08g, Hoàng liên 08g, Bạch thược 08g, Ngô thù du 06g, Trạch tả 07g, Trần bì 06g, Chi tử 08g, Đan bì 08g, Bối mẫu 08g.
Sắc uống ngày 01 thang chia sáng tối.
- Châm cứu
Châm tả các huyệt : Nội Đình, Hợp Cốc, Nội Quan, Tỳ Du, Vị Du, Trung Quản, Thiên Khu, Thái Xung.
4.3. Thể huyết ứ
4.3.1 Thực chứng
Bài thuốc: Thất tiếu tán: Bồ Hoàng 12g, Ngũ linh chi 12g. Tán bột, uống 12g trên ngày chia sáng tối.
- Châm cứu
Châm tả các huyệt : Huyết Hải, Tỳ Du, Hợp Cốc, Can Du
4.3.2 Hư chứng
- Bài thuốc
Tứ quân tử thang gia giảm: Đẳng sâm 16g, Bạch truật 12g, Phục linh 12g, Cam thảo 06g, Hoàng kỳ 16g, A Giao 08g
Sắc uống ngày 01 thang chia sáng tối
- Châm cứu
Châm bổ hoặc cứu các huyệt: Can Du, Tỳ Du, Tâm Du, Cách Du, Cao Hoang Du.
4.4 Thể tỳ vị hư hàn
- Bài thuốc
Hoàng kỳ kiến trung thang gia giảm: Quế chi 12g, Bạch thược 12g, Can khương 06g, Cam thảo 06g, Đại táo 06g, Hoàng kỳ 16g, Hương phụ 08g, Cao lương khương 06g.
Sắc uống ngày 01 thang chia sáng tối
- Châm cứu
Ôn châm hoặc cứu các huyệt: Trung Quản, Thiên Khu, Tỳ Du, Vị Du, Quan Nguyên, Khí Hải.
Trên đây là thông tin về chứng bệnh viêm dạ dày theo Y Học Cổ Truyền. Bài viết mang tính chất tham khảo, mọi vấn đề bất thường cần được thăm khám và chỉ định bởi các y bác sĩ. Cần thăm khám tư vấn điều trị bạn đọc có thể liên hệ tại đây.
__________________________________________________________________
Inbox ngay cho Massage Khỏe để được tư vấn và chọn ngay cơ sở gần nhất nhé!
Massage Khỏe – Hãy để chúng tôi chăm sóc sức khỏe cho bạn.
MASSAGE KHỎE – THỰC SỰ KHỎE
Hotline : 082 999 58 58
Nguồn: Vinmec