Loãng xương là một bệnh lý thường gặp ở người cao tuổi. Có nhiều biện pháp phòng và điều trị loãng xương, trong đó có các phương pháp của Y học cổ truyền…
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh loãng xương có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như gãy xương, gây tàn phế…
Bệnh thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Một số trường hợp chỉ khi gặp biến chứng, bệnh mới được phát hiện.
Đau lưng, mỏi gối, chân tay hay tê lạnh co rút, đầy bụng, chậm tiêu, ăn kém… có thể là biểu hiện của bệnh loãng xương mà người bệnh không chú ý tới. Người loãng xương nặng, xương dễ bị gãy, gù lưng.
1. Bệnh loãng xương dưới góc nhìn của Đông y
Theo quan niệm Đông y, bệnh loãng xương thuộc về bệnh chứng của xương cốt. Theo lý luận của Y học cổ truyền “gan chủ gân, thận chủ xương” có nghĩa là gan chủ về nuôi dưỡng gân cơ. Thận chủ về nuôi dưỡng xương cốt, tạo xương… mà nguồn cung cấp canxi, phospho và các dưỡng chất khác đều phải nhờ ở tỳ, vị hấp thu chuyển hóa…
Do vậy có thể nói loãng xương không những do ăn uống thiếu canxi, tuổi tác, suy giảm hormon sinh dục, mà còn do suy giảm công năng can, tỳ và thận. Vì vậy cần phải bồi bổ cho chức năng của các tạng này.
Điều trị bệnh loãng xương phụ thuộc vào nguyên nhân, mức độ loãng xương. Cần biết phối hợp ăn uống, tập luyện, thuốc men để hạn chế bệnh tiến triển. Những người có tiền sử loãng xương nặng phải điều trị lâu dài, thậm chí phải quan tâm ăn uống tập luyện suốt đời.
Đông y thường dùng những dược liệu, món ăn bài thuốc bổ cho tạng tỳ, can, thận, nhất là loại giàu khoáng chất canxi- phospho. Các nhà khoa học đều cho rằng hoạt chất canxi và phospho trong thiên nhiên, dễ hấp thu chuyển hóa, hầu như không có tác dụng phụ.
Dược liệu thường được sử dụng trong đông y chữa loãng xương là những vị bổ dưỡng giàu chất canxi, phospho và vitamin D.
2. Bài thuốc điều trị loãng xương
2.1. Bài Thập toàn đại bổ gia vị trị loãng xương
Thành phần bài thuốc: Nhân sâm 14g, bạch truật 12g, phục linh 14g, thục địa 20g, đương quy 14g, xuyên khung 14g, bạch thược 14g, cam thảo 4g, hoàng kỳ 14g, nhục quế 6g, tục đoạn 14g, đỗ trọng 12g.
Công dụng: Đây là bài thuốc có tác dụng bổ khí huyết, mạnh gân xương… Thích hợp với người loãng xương ăn uống kém, nhức mỏi lạnh tay chân.
Cách dùng: Mỗi ngày một thang sắc 03 lần, chia ba lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.
2.2. Bài Lục vị địa hoàng gia vị
Thành phần bài thuốc: Thục địa 30g, hoài sơn 16g, đơn bì 14g, sơn thù 14g, phục linh 12g, trạch tả 12g, tục đoạn 12g.
Công dụng: Đây là bài thuốc có tác dụng bổ can thận âm, lợi gân cốt, thích hợp người loãng xương đau lưng mỏi gối, thể chất gầy đen, nóng nhiệt, thận âm hư…
Cách dùng: Mỗi ngày một thang sắc 03 lần, chia ba lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.
2.3. Bài Hữu quy ẩm gia giảm
Thành phần bài thuốc: Thục địa 32g, hoài sơn 16g, sơn thù 16g, phục linh 14g, trạch tả 8g, đỗ trọng 16g, thỏ ty tử 16g, lộc giác giao 16g, đương quy 14g, nhục quế 4g, phụ tử chế 4g.
Công dụng: Đây là bài có tác dụng ôn bổ thận dương, mạnh gân xương. Thích hợp với người loãng xương, đau lưng mỏi gối, hay bị co rút, chân không ấm…
Cách dùng: Mỗi ngày một thang sắc 03 lần, chia ba lần uống trong ngày, uống khi thuốc còn ấm.
Lưu ý: Các bài thuốc trên chỉ mang tính tham khảo. Để trị loãng xương người bệnh cần được thăm khám và tư vấn chỉ định điều trị bởi các bác sĩ đông y. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị sẽ không đạt được kết quả mong muốn và có thể gây hại cho sức khỏe của mình.
3. Các thực phẩm nên ăn và nên tránh để phòng trị loãng xương
Chúng ta đã biết nguyên nhân gây loãng xương là do nội tạng hấp thu và chuyển hóa canxi, phospho kém. Do vậy để giúp bảo trì chống loãng xương ngoài tập luyện, thuốc, cần phải chú ý lựa chọn thực phẩm bổ dưỡng giàu canxi, phospho… có trong gạo lứt, ngô, khoai, đậu mè các loại còn nguyên vỏ lụa…; thịt cá, tôm, cua, cá nhỏ, xương hầm, ngao, sò, ốc, hến, trứng, sữa các chế phẩm từ sữa…; rau củ quả có màu xanh đậm, đỏ đậm, vàng đậm như: Cà rốt, bí đỏ, cải xoong, mùi tàu, khoai lang, rau dền, rau ngót, rau mùi, mùi tàu, thì là, lá lốt… trái cây bơ, chuối, gấc… đó là những thực phẩm có lợi để phòng trị loãng xương.
Đồng thời, nên hạn chế thực phẩm nghèo dinh dưỡng, nhiều chất xơ như măng tre… Vì chất xơ trong các thực phẩm này có thể sẽ cản trở việc hấp thu canxi và một số dưỡng chất khác của cơ thể.
__________________________________________________________________
Inbox ngay cho Massage Khỏe để được tư vấn và chọn ngay cơ sở gần nhất nhé!
Massage Khỏe – Hãy để chúng tôi chăm sóc sức khỏe cho bạn.
MASSAGE KHỎE – THỰC SỰ KHỎE
Hotline : 082 999 5858
Nguồn: suckhoedoisong.vn